Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

TP Sông Công: kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

2019-03-09 16:29:00.0

Để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm và sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND TP Sông Công đã có đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Đồng chí Đào Duy Anh, phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, TP Sông Công đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Theo đó, Thành phố yêu cầu các xã, phường tuyên truyền, phổ biến tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi đến tất cả các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dịch; yêu cầu chủ cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ thực hiện nghiêm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) theo quy định; nghiêm cấm người dân vứt xác lợn chết ra sông, suối…ảnh hưởng đến môi trường…Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn và các cơ sở giết mổ động vật, báo cáo tình hình về cơ quan thường trực của Thành phố vào 16 giờ hàng ngày.

Đoàn kiểm tra bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại xã Bình Sơn

Tại các địa phương đến kiểm tra, đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố Đào Duy Anh yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó năm chắc tổng đàn và số hộ, trại chăn nuôi trên địa bàn; triển khai công tác phun khử trùng tiêu độc. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi chấp hành các quy định về vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn.

Xây dựng kịch bản ứng phó khi có bệnh dịch xẩy ra. Trong đó, tại các vùng có dịch, các địa phương tập trung khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan. Tại các địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao cần tăng cường tuyên truyền, bằng nhiều hình thức để người dân có sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với các hộ chăn nuôi lợn, cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu chăn nuôi và hàng ngày phải triển khai tiêu độc khử trùng quanh khu vực chăn nuôi. Các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát không để lợn bị bệnh, lợn không rõ nguồn gốc từ vùng có dịch hoặc từ địa phương khác xâm nhập vào địa bàn. Khẩn trương tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, ưu tiên các vùng giáp ranh, nơi có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao. Đối với các hộ chăn nuôi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy, không để xảy ra tiêu cực, nghiêm cấm tình trạng bán chạy lợn bị bệnh. Bên cạnh việc sử dụng ngân sách nhà nước, các địa phương cần chủ động xã hội hóa kinh phí cho việc phòng, chống dịch bệnh.

Yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết  chấp hành các quy định về vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn.

Qua phát hiện 2 con lợn bị chết không rõ nguyên nhân vào tối ngày 8/3 và sáng ngày 9/3 tại phường Cải Đan và xã Bình Sơn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố đã báo cáo và phối hợp với Chi cục thú y tỉnh Thái Nguyên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Thái Nguyên tiến hành lấy mẫu phân tích, xét nghiệm bệnh phẩm để có kết luận chính xác. Đồng thời thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời ở 2 điểm trên để xử lý kịp thời khi có kết quả phân tích. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo để chủ động phòng chống bệnh dịch.

MT



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2054395