Công tác cán bộ trước thềm Đại hội XIV: “ Tầm nhìn- bản lĩnh- Niềm tin”
2025-04-29 22:37:00.0
Công tác cán bộ luôn là khâu “then chốt của then chốt”, “chìa khóa của mọi thành công” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Tiến tới Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch ráo riết xuyên tạc quy trình, tiêu chuẩn, nguyên tắc nhân sự, hòng gây hoài nghi nội bộ, nhiễu loạn dư luận, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào Đảng. Trước tình hình đó, việc kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững niềm tin vào công tác cán bộ - một mắt xích then chốt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng - là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Công tác cán bộ - bản lĩnh, niềm tin chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Kế thừa tư tưởng đó, trong các kỳ đại hội, Đảng luôn đặc biệt coi trọng công tác nhân sự với tinh thần khách quan, khoa học, đúng nguyên tắc, đúng quy trình. Đó không chỉ là nhiệm vụ tổ chức đơn thuần mà còn là biểu hiện sinh động cho bản lĩnh, niềm tin chính trị, năng lực lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng đội ngũ kế cận đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu mới.
Chú thích ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng
Tiến tới Đại hội XIV, công tác chuẩn bị cán bộ được tiến hành chặt chẽ, bài bản, dân chủ, khách quan và đúng nguyên tắc theo đúng quy định của Đảng. Các chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị số 35-CT/TW, Kết luận 118-KL/TW, Hướng dẫn số 23, 27 của Ban Tổ chức Trung ương… đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn, cơ cấu, phẩm chất, uy tín và năng lực của cán bộ cấp chiến lược. Các quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ đều được thực hiện công khai, minh bạch, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và sự giám sát của tập thể, của nhân dân. Đây là minh chứng rõ ràng bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc, và càng khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 và 11 khóa XIII đã quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác cán bộ, quán triệt sâu sắc phương châm “lấy tiêu chuẩn làm chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”; lựa chọn những người “vừa có đức, vừa có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “công tác cán bộ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, phải đổi mới thực chất, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, không để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng. Đó là sự nhất quán giữa tư tưởng chỉ đạo và hành động thực tiễn, giữa lời nói và việc làm”.
Chú thích ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng (TTXVN)
Công tác cán bộ luôn là một khâu “then chốt của then chốt” trong sự nghiệp cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta không ngừng chú trọng đổi mới, hoàn thiện các quy trình, nguyên tắc và tiêu chuẩn về công tác cán bộ, đảm bảo lựa chọn được những người có đức, có tài, có tâm, có tầm vào các vị trí lãnh đạo. Nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác cán bộ đã được đặt trong tổng thể của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện, đồng bộ, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và quyết tâm làm trong sạch bộ máy.
Đảng ta cũng đã mạnh dạn đổi mới trong đánh giá cán bộ, coi trọng kết quả thực tiễn, phẩm chất chính trị, bản lĩnh xử lý tình huống, năng lực điều hành và tổ chức thực hiện. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ được siết chặt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với hậu kiểm và xử lý nghiêm sai phạm. Những đổi mới này không chỉ nâng cao chất lượng nhân sự trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc cho lâu dài.
Sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng cho Đại hội XIV là bước cụ thể hóa các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong mọi hoàn cảnh, công tác cán bộ phải đặt trong yêu cầu giữ vững đoàn kết nội bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng - yếu tố cốt lõi tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Luận điệu xuyên tạc và chiêu trò đánh tráo sự thật
Khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV, thì các thế lực thù địch lại gia tăng các hoạt động chống phá với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trên nhiều nền tảng mạng xã hội và trang tin như Việt Tân, BBC, VOA…, các luận điệu xuyên tạc được tung ra dồn dập: “Công tác nhân sự là hình thức”, “lựa chọn cán bộ mang tính sắp đặt”, “phe nhóm tranh giành quyền lực”, “màn kịch thanh trừng nội bộ” hay “nhiều cán bộ không xứng đáng”… Không dừng lại ở đó, các đối tượng phản động như Lê Trung Khoa, Nguyễn Văn Đài, Vũ Đức Khanh... còn ráo riết phát tán thông tin sai lệch trên truyền thông nước ngoài, mạng xã hội, cố tình đánh tráo bản chất dân chủ, tập trung thành “áp đặt”, xuyên tạc quy trình công khai, minh bạch thành “thỏa hiệp, chia ghế”. Đây là âm mưu thâm độc, được tính toán kỹ lưỡng nhằm phá hoại nền tảng chính trị, tiến tới “phi chính trị hóa” tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước - điều mà chúng luôn ráo riết thúc đẩy nhưng chưa bao giờ từ bỏ.
Thủ đoạn tuy không mới, nhưng ngày càng biến hóa tinh vi. Một mặt, chúng giả danh “góp ý”, “trung lập”, tỏ vẻ “thấu hiểu lòng dân”, mặt khác lại cố tình bóp méo sự thật, thổi phồng hiện tượng cá biệt để quy kết, phủ nhận toàn bộ thành quả và nỗ lực của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Với mưu đồ chính trị thâm độc, chúng tung tin sai sự thật, dựng chuyện về “nhân sự phe cánh”, “chia chác quyền lực”, từ đó gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây mất đoàn kết nội bộ và tạo sự hoang mang trong nhân dân. Nguy hiểm hơn, chúng còn lợi dụng các kênh mạng xã hội để phát tán thông tin giả, cắt ghép phát ngôn, xuyên tạc chủ trương, quy trình nhân sự của Đảng nhằm làm suy giảm niềm tin vào công cuộc chỉnh đốn và đổi mới bộ máy lãnh đạo, hướng lái nhận thức xã hội lệch khỏi quỹ đạo chân - thiện - mỹ.
Trước tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện năng lực “tự miễn dịch chính trị”, chủ động sàng lọc, phân biệt rõ thật - giả, chính thống - xuyên tạc, bảo vệ sự thật và bảo vệ Đảng.
Như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: “Phải tuyệt đối tránh biểu hiện chủ quan, áp đặt, cục bộ, thân quen, lợi ích nhóm… trong công tác cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi việc…”. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là “tấm khiên chính trị” bảo vệ công tác nhân sự trước mọi sự xuyên tạc. Mọi hành vi bóp méo, xuyên tạc công tác cán bộ không chỉ là sự xúc phạm đối với Đảng, mà còn là phản bội lòng tin của nhân dân - điều không thể chấp nhận, không thể dung thứ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Đấu tranh bảo vệ sự thật trong công tác cán bộ - Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì thế, trước mỗi kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội XIV sắp tới, các thế lực thù địch lại gia tăng các hoạt động xuyên tạc, công kích, bóp méo sự thật, nhằm hạ thấp uy tín, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng tung ra những luận điệu xảo trá như “sắp xếp theo nhóm lợi ích”, “chuyện nhân sự đã an bài”, “có tiêu cực, phe cánh”... để gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm rối loạn dư luận xã hội. Trong bối cảnh đó, việc kiên quyết phản bác, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch ấy không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà phải trở thành bổn phận chính trị, đạo đức của mọi cán bộ, đảng viên và người dân có lương tri.
Trong thời đại công nghệ số, thông tin lan truyền nhanh chóng, đặc biệt trên mạng xã hội, “khoảng trống thông tin” là môi trường lý tưởng để cái xấu, cái ác hoành hành, bóp méo sự thật. Mỗi cán bộ, đảng viên - nhất là người đứng đầu - cần chủ động lan tỏa thông tin chính thống, đấu tranh trực diện, vạch rõ bản chất sai trái, thâm độc của những luận điệu xuyên tạc. Không thể có chuyện “đứng ngoài” hay “tránh né va chạm” trong cuộc đấu tranh này, bởi mỗi lần im lặng là một bước lùi trước những âm mưu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Phản bác không chỉ là “nói lại” mà phải được thực hiện bằng lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, gắn với thực tiễn sinh động. Việc nêu gương cán bộ điển hình, mô hình hay, cách làm tốt cần được đẩy mạnh như một liều thuốc tinh thần, lan tỏa năng lượng tích cực. Quan trọng hơn cả là củng cố niềm tin trong nhân dân - bởi chính nhân dân là nền tảng vững chắc nhất giúp Đảng vượt qua mọi cơn sóng dữ.
Không thể phủ nhận rằng công tác cán bộ là một quá trình chính trị đặc biệt hệ trọng, đòi hỏi tầm nhìn, bản lĩnh, niềm tin, trí tuệ, sự công tâm, khách quan của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng. Mọi quyết định nhân sự đều đặt trên nền tảng nguyên tắc tổ chức của Đảng, lấy tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín và sự tín nhiệm làm thước đo. Việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bóp méo, dựng chuyện để hạ thấp niềm tin nhân dân là một phần trong chiến lược “diễn biến hòa bình” thâm độc. Nhưng sự thật không thể đánh tráo về công tác cán bộ của Đảng, nếu được bảo vệ bằng hành động thực tế và kết quả cụ thể. Những thành tựu đã đạt được trong công tác cán bộ, cùng sự tín nhiệm, đồng thuận ngày càng cao từ quần chúng chính là “tấm khiên thép” bác bỏ mọi luận điệu sai trái.
Lê-nin từng nhấn mạnh: “Kẻ thù nguy hiểm nhất là kẻ lợi dụng lòng tin của quần chúng để bóp méo sự thật”. Cảnh báo ấy vẫn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Bảo vệ sự thật trong công tác cán bộ là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ tương lai của đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi người dân yêu nước cần nâng cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, dư luận để bảo vệ uy tín, danh dự và bản chất cách mạng của Đảng ta.
Cuộc đấu tranh ấy, hơn bao giờ hết, cần được tiến hành với tinh thần chủ động, sắc bén, toàn diện và kiên trì. Đó không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là biểu hiện sống động của tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và niềm tin vững chắc của Đảng về công tác cán bộ trước thềm Đại hội XIV. Góp phần quan trọng trong giữ vững nền chính trị trong sạch, ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Bài: Đại úy Hoàng Cao Cường (Trợ lý Tuyên huấn, Ban Chính trị, Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 - Quân đoàn 12)